Không khó để bắt gặp những thiếu nữ tuổi mới đôi mươi nhưng làn da đã bị tàn phá, viêm, sưng đỏ nghiêm trọng. Đó có thể là những biểu hiện của tình trạng da bị nghiện corticoid.
Các bạn đã từng nghe qua hiện tượng viêm da do nghiện Corticoid chưa? Đó là tình trạng da bị viêm, bị ảnh hưởng do việc sử dụng mỹ phẩm có chứa corticoid - một chất độc dược được xếp ở bảng B (theo quy định của bộ Y tế). Những "nạn nhân" của tình trạng này đều có chung một đặc điểm đó là đã từng sử dụng nhiều loại mỹ phẩm bôi da trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Vậy nếu corticoid là chất độc thì tại sao nó lại được sử dụng trong mỹ phẩm? hậu quả nó để lại ra sao?
Corticoid - con dao hai lưỡi
Corticoid là dược phẩm chống viêm mạnh, chống mẫn cảm, chống dị ứng, chống ngộ độc, là loại dược phẩm có nhiều công dụng và được sử dụng thường xuyên để bào chế thuốc. Tuy nhiên, trong mỹ phẩm corticoid lại là "con dao hai lưỡi" nếu không được điều chế đúng và liều lượng phù hợp.
Vì có tính chất chống viêm, chống dị ứng nên corticoid được đưa vào các mỹ phẩm để điều trị mụn mủ, mụn viêm. Đồng thời nó còn giúp hạn chế các tuyến bài tiết giúp hạn chế bã nhờn, ngăn chặn quá trình hình thành và phát triển mụn.
Việc sử dụng mỹ phẩm chứa nhiều corticoid khiến da bị hủy hoại
Ngoài ra, nhờ công dụng giữ nước và bào mòn nên corticoid có thể giúp cho việc làm trắng da nhanh chóng, da sần sùi, sẫm màu trở nên mịn màng và trắng sáng hơn. Tùy vào hàm lượng corticoid có trong từng loại mỹ phẩm mà công dụng của nó sẽ có hiệu quả từ 3 ngày đến vài tuần.
Chính vì những công dụng trên cộng với giá thành rẻ, dễ kiếm mà trong hầu hết các loại mỹ phẩm hiện nay như kem trị mụn, kem trắng da, trị nám...đều có chứa corticoid với liều lượng ít hoặc nhiều. Đây cũng chính là nguyên nhân chính khiến cho những loại mỹ phẩm trôi nổi ngoài thị trường có cơ hội "nở rộ". Tuy nhiên, vì vừa có dược tính vừa có độc tính nên việc lạm dụng corticoid sẽ để lại những tác dụng phụ không mong muốn, thậm chí là những tác động xấu đến làn da.
Khi sử dụng những mỹ phẩm có chứa corticoid, da sẽ đẹp lên nhanh chóng nhưng chỉ sau một thời gian ngắn hoặc nếu việc sử dụng bị ngưng lại thì da sẽ bắt đầu "phát bệnh". Corticoid bào mòn da, khiến da mất đi "lá chắn" bên ngoài, khiến da trở nên nhạy cảm, dễ bắt nắng dẫn đến nám, sạm, mụn xuất hiện và không ngừng lan rộng, làn da của bạn cũng trở nên nhạy cảm và dễ bị kích ứng hơn trước. Những vấn đề này rất khó điều trị và thậm chí là không thể trị khỏi.
Dục tốc thì bất đạt
Có một thực tế đáng cảnh báo rằng, có rất nhiều người trong các bạn quá nóng lòng trong việc làm đẹp. Họ muốn làn da của mình trắng, sáng nhanh chóng, dễ dàng mà không tốn quá nhiều công sức, chi phí trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc. Do đó, họ bất chấp sử dụng những loại mỹ phẩm trôi nổi và khi thấy da trắng lên nhanh chóng họ lại sử dụng nhiều hơn, tăng liều lượng lên để da càng thêm trắng, mịn.
Ông cha ta thường nói "Dục tốc bất đạt" cái gì "quá" cũng không tốt, bất kì cái gì cũng có gốc có ngọn. Muốn cho "ngọn" đẹp bền vững thì phải chăm lo cái "gốc" thật tốt, khi cái "gốc" đã bền, đã bám sâu vào đất thì ngọn sẽ tươi tốt, phát triển. Nhưng thay vì các bạn chăm sóc "gốc" là bên trong làn da, thì các bạn lại đổ xô vào "ngọn" là bề mặt da thì có thể chẳng mấy chốc gốc rễ sẽ chết và ngọn thì héo mòn.
Những loại mỹ phẩm trôi nổi ngoài thị trường thường chứa nhiều corticoid
Làn da của mỗi người là tấm gương phản chiếu sức khỏe của chính chúng ta. Cũng như cái cây vậy, nó cũng cần được chăm sóc, nuôi dưỡng từ bên trong và nó cũng cần có thời gian để chuyển hóa, để thay đổi và "lớn lên". Do đó, điều quan trọng là bạn cần sự kiên nhẫn, chịu khó trong suốt quá trình chăm sóc da.
Vậy làm sao để "loại bỏ" được corticoid?
Như đã nói từ trước rằng hiện nay, hầu hết ở các loại mỹ phẩm, kem điều trị, kem làm trắng da đều có chứa corticoid, trong khi đó, công tác quản lý, kiểm tra còn rất hạn chế. Do đó không ít các bạn sẽ băn khoăn làm sao để tránh được corticoid. Lời khuyên đầu tiên tôi muốn nói đến đó là hãy "Nói Không" với mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, trôi nổi, rẻ tiền, kem trộn. Khi mua mỹ phẩm nên đọc kỹ các thành phần có trong đó, kiểm tra bao bì, nhãn hiệu để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
Khi thấy các triệu chứng như da mẩn đỏ, nổi mụn, sưng viêm thì phải ngưng sử dụng mỹ phẩm và đến các cơ sở y tế, phòng khám uy tín để được khám chữa. Không tự ý kê thuốc hoặc tự điều trị không đúng cách khiến cho vấn đề trở nên trầm trọng hơn.
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thành Văn