Theo thống kê, tỷ lệ phụ nữ bị nám da ở Việt Nam từ 60-70% và thường tập trung ở độ tuổi từ 30 trở lên. Trước đây độ tuổi trung bình gặp các vấn đề về nám là tầm 40, nhưng sự thay đổi về môi trường và lối sống đã rút nhanh độ tuổi và khiến chị em xuất hiện dấu hiệu sạm nám sớm hơn khi vừa bước qua độ 30. Vậy da bị sạm nám là do đâu?
1, Ánh nắng mặt trời
Tia UV trong ánh nắng mặt trời là nguyên nhân chính khiến da bị sạm nám. Da được hình thành từ 3 lớp: thượng bì, trung bì và hạ bì. Khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, tia UV sẽ xâm nhập vào lớp biểu bì và tác động đến tế bào sừng, từ đó da sẽ kích hoạt “tín hiệu” cảnh báo rằng da đang bị tổn thương và phóng thích Melanosome nhằm bảo vệ da khỏi ánh sáng mặt trời.
Melanosome sẽ sản sinh ra hắc sắc tố melanin khuếch tán vào tế vào da và hình thành sạm nám. Đó cũng là lý do vì sao những người da đen bẩm sinh thường ít có nguy cơ sạm nám và ung thư da, hắc sắc tố vốn có của họ chính là “khiên chắn kiên cố" trước tác động của tia UV.
Kem chống nắng và che chắn bằng các loại áo khoác là phương pháp hiệu quả để ngăn ngừa sự lão hoá da và sạm nám từ ánh nắng mặt trời. Đối với những tỉnh thành có khí hậu nóng ẩm quanh năm thì nên sử dụng kem chống nắng với chỉ số SPF 30+ trở lên và kem chống nắng vật lý cũng được khuyên dùng cho những làn da nhạy cảm hơn những loại kem khác.
2, Nội tiết tố
Ở giai đoạn mang thai hoặc mãn kinh, phụ nữ thường mắc bệnh nám da nhiều hơn là những phụ nữ trẻ. Đó là do sự thay đổi về hormones trong cơ thể, tăng giảm đột ngột của nội tiết tố estrogen.
Estrogen khiến cho cơ thể người phụ nữ mềm mại và linh hoạt hơn.Tuy nhiên, khi phụ nữ bước vào thời kì mang thai, estrogen tăng cao, hoặc khi vào tuổi mãn kinh estrogen sụt giảm sẽ làm thay đổi sắc tố da, khiến da bị thâm nám, sạm màu.
Ngoài ra, thuốc tránh thai cũng làm cho nội tiết tố thay đổi, hắc sắc tố bị sản sinh quá mức dẫn đến sạm nám da. Đông thời, chế độ sinh hoạt không hợp lý, stress…cũng khiến cho nội tiết tố bên trong cơ thể mất cân bằng.
3, Yếu tố di truyền
Nám da có thể di truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. 20-70% trường hợp bị nám bẩm sinh khi đời trước có những vấn đề về sạm nám và sẽ đậm màu hơn nếu không được chăm sóc kỹ lưỡng.
4, Ô nhiễm môi trường
Khói bụi từ môi trường không chỉ gây mụn mà còn làm gia tăng sự xuất hiện sắc tố da. Một nghiên cứu cho thấy việc ô nhiễm không khí làm tăng 20% các đốm nâu trên má, đó là vì sắc tố thường là một phản ứng đối với hiện tượng viêm, thường thấy khi tiếp xúc với các hoá chất trong không khí. Vậy nên việc che chắn cẩn thận khi ra đường là vô cùng cần thiết.
Ngoài những phương pháp điều trị sạm nám phổ biến như bắn laser hay sử dụng kem trị nám thì chúng ta còn nên chú ý đến lối sống và chế độ ăn uống, hạn chế việc thức khuya, uống nhiều thức uống có cồn và tăng cường bổ sung các loại vitamin khoáng chất cho cơ thể.