"Cháy nắng" là cụm từ thường được nhiều chị em phụ nữ nhắc đến khi vào hè, sau mỗi chuyến đi biển, picnic cùng gia đình...Đây là tình trạng thường xuyên với nhiều mức độ khác nhau.
Ánh nắng, "lợi bất cập hại"
Tùy vào thời tiết, nhưng thường thì khoảng thời gian từ 6h30-8h sáng, là khoảng thời gian lý tưởng để "phơi nắng", việc phơi nắng vào khoảng thời gian này không gây nên tình trạng cháy nắng, sạm da mà ngược lại là "thời gian vàng" để cơ thể tổng hợp lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể. Nhưng sau khoảng 9 giờ, lúc này ánh nắng mặt trời lại trở thành nguyên nhân gây nên nhiều vấn đề về da, mà tai hại nhất là hiện tượng cháy nắng.
Da bị cháy nắng là tình trạng thường xuyên gặp phải nhất là vào mùa hè
Trong những ngày hè nóng bức, khi lượng bức xạ mặt trời lên cao, cộng thêm đó là việc chúng ta phơi nắng quá lâu dưới ánh nắng khiến cho các tia UVA, UVB có trong ánh nắng mặt trời dễ dàng tiếp cận, xâm nhập và "biến đổi" màu sắc của làn da.
Hiểu thêm về ánh nắng
Hai loại tia UVA và UVB có trong ánh nắng mặt trời là nguyên nhân chính gây nên sạm da, cháy nắng. Khi phơi nắng quá lâu dưới ánh mặt trời gay gắt, hai loại tia này sẽ bẻ gãy các liên kết sợi collagen dưới da, kích thích quá trình sản sinh tiết tố melanin khiến cho da trở nên sạm màu và khi lượng melanin sản sinh quá nhiều thì làn da sẽ gặp phải tình trạng cháy nắng, da bị lão hóa nhanh chóng hoặc thậm chí là bị tổn thương nặng nề gây nên ung thư da.
Bên trong tế bào da của chúng ta có tồn tại các sắc tố melanin. Ở trạng thái bình thường, melanin có khả năng hấp thụ ánh sáng, đóng vai trò bảo vệ da trước tia tử ngoại, cân bằng và giúp giữ màu sắc tự nhiên cho da. Khi phơi nắng, melanin hấp thụ quá nhiều tia tử ngoại, bị "kích hoạt" để sản sinh nhiều hơn, mục đích chính của nó là tăng độ dày của hàng rào bảo vệ để bảo vệ da. Hành động tự về của melanin dẫn đến hệ quả là sắc tố đen có trong melanin sản sinh quá nhiều khiến da trở nên đen sạm, đồi mồi, tàn nhang "đua nhau" nổi lên.
Sau những chuyến tắm biển, dã ngoại...da của chúng ta dễ bị tấn công bởi ánh nắng gây nên tình trạng cháy nắng
Hẳn nhiều chị em sẽ ngạc nhiên khi biết rằng Hơn 90% tia UV có thể xuyên qua các đám mây. Tuyết sạch phản chiếu tia UV lên đến 80%. Con người sẽ bị trực tiếp tác động và gián tiếp tác động. 60% tia UV trong một ngày tập trung ở 10:00 am-2:00 pm. Cát phản chiếu tia UV 25%, ở độ sâu ½ m dưới mặt đất, ảnh hưởng của UV chiếm 40% so với mặt đất. Các bác sĩ và bác sĩ da liễu ngày càng cảnh báo về sự tương quan giữa tần suất ung thư da và mức độ tổn thương DNA, với con số thống kê hơn 90% trường hợp ung thư da là kết quả của việc phơi nắng.
Biểu hiện trên da
Biểu hiện chính của tình trạng cháy nắng được biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau tùy thuộc vào tình trạng cháy nắng nặng hay nhẹ trên da của bạn. Đó có thể là tình trạng da bị ửng đỏ, bị nóng, đau rát. Nặng hơn nữa, chúng ta có thể thấy được những đường viền in trên lưng, trên mặt thể hiện khoảng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Sau một đến vài ngày cháy nắng, da của chúng ta sẽ bị bong tróc bề mặt bên ngoài
Ngoài ra, sau một đến vài ngày sau khi bị cháy nắng, ở những trường hợp cháy nắng nặng, da có thể xuất hiện những bọng nước giống mủ có thể vỡ ra, da có thể bị bong tróc vảy khô, đau rát.
Phương pháp trị liệu
Khi da bị cháy nắng, thông thường, chúng ta sẽ phải chịu khó chăm sóc để da "nhả" lớp da sần sùi, không đều màu bên ngoài. Ngoài ra, chị em phụ nữ có thể sử dụng một số phương pháp sau để làm dịu đi lớp da nóng, cháy vì tiếp xúc ánh mặt trời quá lâu..
Làm mát da: Ngay khi bạn nhận thấy các dấu hiệu như da bị ửng đỏ, bỏng rát vì tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời, hãy tìm kiếm những thứ có thể làm mát làn da của bạn. Bạn có thể sử dụng khăn lạnh, gạc ẩm hoặc đá lạnh được bọc trong khăn để thoa lên bề mặt da, giúp da "hạ nhiệt". Tùy vào tình trạng da, mà bạn có thể làm điều này trong vòng 10, 15 phút hoặc lâu hơn nếu bạn thấy cần thiết. Lưu ý rằng, bạn không nên đặt trực tiếp đá lạnh, khăn quá lạnh lên da vì điều này sẽ có tác động ngược lại với mong muốn của bạn. bạn cũng không nên sử dụng vòi sen với lực nước mạnh tác động lên da cũng như chà xát da khi da bị tấn công bởi nắng.
Nên sử dụng một số loại mặt nạ chiết xuất thiên nhiên để làm dịu mát da khi bị cháy nắng
Sử dụng các loại mặt nạ tự nhiên: Sau khi bị cháy nắng, da sẽ bị sạm đen, mất đi sự đồng đều về màu sắc trên da. Do đó, bạn có thể sử dụng một vài loại dưỡng chất tự nhiên như mật ong, dầu oliu, dầu dừa, sữa chua không đường... để tắm, tẩy tế bào chết. Việc sử dụng những nguyên liệu này sẽ cung cấp thêm dưỡng chất giúp da khỏe hơn, và đủ sức để loại bỏ lớp da cháy nắng và thay thế bằng những tế bào da mới.
Thoa kem dưỡng ẩm chứa các chất làm mát: Khi da bị cháy nắng, hãy sử dụng những loại kem dưỡng ẩm có chứa thành phần lô hội, đậu nành...để giúp da dịu hơn, đỡ căng rát và không bị bong tróc.