Làn da cũng giống như các bộ phận, cơ quan khác trong cơ thể, nó cũng tuân thủ quy luật sinh - lão - bệnh - tử như chính cuộc đời của mỗi người. Và ở những độ tuổi khác nhau làn da có những đặc điểm riêng biệt và hiểu về đặc điểm này bạn sẽ có cách chăm sóc da phù hợp.
Làn da trẻ thơ từ 0 – 4 tuổi
Làn da trẻ em trong độ tuổi từ 0- 4 chỉ dày khoảng bằng 1/5 da người lớn và đặc biệt rất nhạy cảm. Lớp da biểu bì ngoài cùng cực kì mỏng và các tế bào sắp xếp không chặt chẽ bằng da người lớn. Tuyến mồ hôi, bã nhờn ít hoạt động và màng hydrolipid và các acid bảo vệ da còn yếu khiến sức đề kháng yếu. Chính vì thế, làn da trẻ thơ vô cùng nhạy cảm với các tác động hóa học, vật lý, vi khuẩn; nhạy cảm với tia UV; sự lưu thông của da thích ứng chậm; khó điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Chính vì thế, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng, làn da trẻ em thì rất dễ mắc phải những bệnh về da như dị ứng, nổi mẩn khi côn trùng cắn.
Làn da của trẻ từ 4 – 12 tuổi
Ở độ tuổi này làn da có bước phát triển hơn, tuy nhiên vẫn mỏng và sắc tố da ít hơn người lớn. Làn da của trẻ rất nhạy cảm với tai UV vì cơ chế tự bảo vệ vẫn chưa phát triển. Do đó, đây cũng là thời điểm quan trọng để bảo vệ làn da của trẻ, tránh nắng thường xuyên để hạn chế tác hại của tia nắng mặt trời lên da. Da của trẻ chỉ thực sự tương ứng với da người lớn đến năm 12 tuổi.
Từ 14 – 20 tuổi
Đây là giai đoạn dậy thì, làn da có nhiều chuyển biến đáng kể. Sự thay đổi hormone trong cơ thể sẽ gây nên những biến động lớn đối với làn da. Và biểu hiện chính đó chính là mụn tuổi dậy thì. Lý do cho tình trạng này là sự thay đổi của hormone sẽ thúc đẩy sự tăng sinh của tuyến bã nhờn và làm nảy sinh mụn. Đây là dấu hiệu hết sức bình thường ở lứa tuổi này. Nếu được chăm sóc kĩ và điều trị đúng cách thì mụn sẽ hết sau tuổi dậy thì, nhưng cũng có những trường hợp mụn có thể xuyên suốt đến tuổi trung niên và hơn thế nữa.
Làn da từ 20 – 25 tuổi
Giai đoạn này có 2 mốc thời gian quan trọng, đo slaf tuổi 20 và 25. Ở tuổi 20, đây được xem là thời điểm làn da của chúng ta có những biểu hiện đẹp nhất. Da trắng mịn màng, tươi tắn, lượng collagen trong da cũng nhiều nhất. Vậy nên, người ta mới hay so sánh con gái tuổi 20 đẹp như trăng rằm là vì vậy.
Ở mốc thời gian thứ 2 là 25 tuổi, thì đây lại là thời điểm da bắt đầu có những dấu hiệu lão hóa. Lượng collagen trong da bắt đầu có dấu hiện giảm sút, nếu không chăm sóc và bảo vệ da kĩ thì ở một số người có thể đã xuất hiện vết chân chim, nếp nhăn khóe mắt. Lúc này, hàng rào bảo vệ của da cũng yếu dần đi và khả năng chống lại tia UV của hàng rào bảo vệ bên ngoài cũng giảm dần. Và đây cũng chính là thời điểm mà tiếng chuông báo động tình trạng da thường xuất hiện.
Làn da 30 – 40 tuổi
Hàng rào bảo vệ da yếu đi, da trở nên yếu và dễ bị tác động của những yếu tố bên ngoài như khói bụi, ánh nắng mặt trời…. Quá trình trao đổi chất của các tế bào da bắt đầu chậm lại, độ ẩm, độ đàn hồi bị suy giảm, do đó da trở nên khô, sần sùi hơn đồng thời quá trình lão hóa da diễn ra nhanh chóng.
Làn da độ tuổi 40 – 50 tuổi
Đây là giai đoạn tiền mãn kinh, quá trình lão hóa da cực kì nhanh. Lớp biểu bì da mỏng hơn, da sần sùi, xuất hiện vùng da bị tăng sắc tố (đồi mồi), các vết thương khó lành và có thể bị nhiễm trùng. Ở lớp hạ bì sự liên kết giữa các mô da mất đi sự đàn hồi, khả năng giữ nước kém khiến da bị lão hóa, kém tươi trẻ, khỏe mạnh.
Làn da già hóa tuổi 60 – 70 tuổi
Sự sản sinh lipid tự nhiên của da bị giảm dẫn đến tình trạng da khô, mất nước và xuất hiện nhiều nếp nhăn. Quá trình tái tạo tế bào da chậm lại, da mỏng, khả năng làm lành vết thương suy giảm, độ nhạy cảm của da với tia UV tăng lên. Đặc biệt sau độ tuổi 70 chức năng miễn dịch của da sẽ bị suy giảm đáng kể khiến da dễ bị nhiễm trùng.