Có một chế độ ăn uống cân bằng là cách tốt nhất để đảm bảo rằng bạn đang đáp ứng đầy đủ nhu cầu vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, cơ thể bạn cũng cần được cung cấp các hợp chất này từ các thực phẩm bổ sung.
Mặt khác, để chọn lựa chất bổ sung phù hợp cho cơ thể không phải là điều dễ dàng.
Thực phẩm bổ sung có bán bên ngoài thị trường rất đa dạng cũng như có quá nhiều thông tin in trên nhãn của mỗi sản phẩm. Điều này sẽ khiến bạn bối rối và bạn sẽ không biết bắt đầu từ đâu.
Và hiển nhiên rằng, khi bạn biết cách đọc những thông tin ghi trên sản phẩm, việc chọn lựa các thực phẩm bổ sung sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Bài viết này sẽ giúp bạn biết được một số cách thức đơn giản để có thể đọc nhãn thông tin in trên sản phẩm như một chuyên gia.
Quy định về các chất bổ sung
Thực phẩm chức năng là những sản phẩm nhằm bổ sung các hợp chất cần thiết cho cơ thể bên cạnh chế độ ăn uống của bạn.
Thực phẩm bổ sung được sản xuất dưới nhiều hình thức khác nhau như: dạng lỏng, viên nén, viên nang, thuốc uống và bột.
Đồng thời, các loại chất bổ sung cũng rất đa dạng bao gồm: vitamin, khoáng chất, enzym, thảo mộc, chế phẩm sinh học, chiết xuất, men vi sinh và axit amin.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chỉ kiểm tra và giám sát các loại thuốc và an toàn thực phẩm chứ không có bất kỳ quy định nào về tính an toàn hoặc hiệu quả của các thực phẩm bổ sung.
Vì vậy, không có gì đảm bảo rằng một chất bổ sung được sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng được chỉ định thì các sản phẩm ở lô khác cũng có tiêu chuẩn chất lượng tương tự.
Vì lẽ đó, bạn cần phải biết cách đọc nhãn thông tin trên bao bì của thực phẩm bổ sung để chắc chắn rằng bạn nhận được sản phẩm chất lượng nhất có thể.
KẾT LUẬN
Các thực phẩm bổ sung rất đa dạng, bao gồm vitamin, khoáng chất và chiết xuất thảo mộc, axit amin và nhiều loại khác. FDA không quy định về tính an toàn hoặc hiệu quả của các chất bổ sung nghiêm ngặt như quy định về thuốc. Đó là lý do tại sao bạn nên biết cách đọc nhãn thông tin trên các sản phẩm chất bổ sung để có thể chọn được sản phẩm phù hợp cho bản thân.
Vi chất dinh dưỡng
Nhãn thông tin vi chất dinh dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm có chứa hầu hết các thông tin cơ bản về thực phẩm bổ sung bao gồm khẩu phần, số lượng khẩu phần cho mỗi loại, thành phần có trong sản phẩm và hàm lượng từng chất dinh dưỡng mà nó bao hàm.
Bằng cách kiểm tra khẩu phần, bạn có thể xác định được bạn nên dùng liều lượng bao nhiêu để đạt được kết quả mong muốn.
Điều này cũng có thể giúp bạn biết được liệu có nên chia thành nhiều liều để uống trong ngày hay có thể uống tất cả cùng một lúc.
Ngoài ra, bạn cũng nên xem thành phần dinh dưỡng có trong sản phẩm cùng với số lượng của chúng trong một khẩu phần.
Đối với các vitamin và khoáng chất, các giá trị này thường được liệt kê dưới dạng Phần trăm Giá trị Hàng ngày (%DV) và được ước tính dựa trên nhu cầu dinh dưỡng của một người có chế độ ăn 2.000 calo.
Ví dụ: nếu một sản phẩm chứa 50% DV cho một chất dinh dưỡng cụ thể, điều này có nghĩa là nó chứa khoảng 50% hàm lượng chất dinh dưỡng đó mà hầu hết mọi người cần cho một ngày.
Trong một số trường hợp, các thực phẩm bổ sung có thể chứa đến 100% DV cho một số chất dinh dưỡng nhất định.
Tuy nhiên, bạn nên lưu ý là không được sử dụng vượt quá giá trị UL (Tolerable Upper Intake Level). UL được định nghĩa là liều lượng tiêu thụ tối đa trong 1 ngày bạn có thể dùng mà không gây ra các triệu chứng hoặc tác dụng phụ.
Hãy chắc chắn rằng bạn luôn kiểm tra giá trị UL trước khi mua một loại thực phẩm bổ sung mới nào. Thêm vào đó, nếu bạn có bất kỳ bệnh lý nào, tốt nhất bạn nên cần sự tư vấn từ dịch vụ chăm sóc sức khỏe về việc sử dụng chất bổ sung.
Ở cuối nhãn thông tin sản phẩm, các thành phần khác được liệt kê bao gồm các loại thảo mộc, chất chiết xuất, chất phụ gia và các hợp chất khác.
Để biết thêm thông tin về cách chọn lựa các loại vitamin và khoáng chất có chất lượng cao cũng như xác định liệu bạn có thể nhận được những ích lợi gì từ các thực phẩm bổ sung hay không, hãy cùng đọc tiếp những thông tin bên dưới.
KẾT LUẬN
Nhãn thông tin vi chất dinh dưỡng bao gồm các thông tin quan trọng về thành phần, khẩu phần, số lượng khẩu phần và giá trị dinh dưỡng của thực phẩm bổ sung.
Xem thêm: Ascorbic Acid, thành phần dưỡng da nổi tiếng của phái đẹp
Thành phần
Khi lựa chọn một loại thực phẩm bổ sung bất kỳ, biết được những thành phần có trong chúng là cực kỳ quan trọng.
Kiểm tra kỹ các thành phần như fillers, chất tạo ngọt, chất bảo quản và chất phụ gia. Tất cả những thành phần này đều được liệt kê trên nhãn.
Fillers (chất độn) được các nhà sản xuất sử dụng để giúp cắt giảm chi phí hoặc thêm vào các thực phẩm bổ sung dạng viên nang và viên nén.
Một số chất phụ gia cũng được thêm vào để làm tăng thời hạn sử dụng của thực phẩm bổ sung. Bên cạnh đó, chất phụ gia còn giúp cải thiện về kết cấu, màu sắc, mùi vị hoặc tính nhất quán của sản phẩm.
Mặc dù trong một số trường hợp, những thành phần này có thể cần thiết, nhưng tốt nhất bạn nên tránh xa các chất bổ sung có chứa quá nhiều chất phụ gia.
Một số chất phụ gia phổ biến nhất được tìm thấy trong các thực phẩm bổ sung bao gồm:
- Cellulose
- Axit stearic
- Gelatin
- Dầu đậu nành
- Maltodextrin
- Potassium sorbate
- Silicon dioxide
- Axit citric
- Titanium dioxide
- Soy lecithin
- Magnesium stearate
- Sorbitol
Đồng thời, các chất tạo màu, chất tạo ngọt hoặc hương liệu có trong chất bổ sung đều được ghi trên nhãn.
Lưu ý rằng các thành phần được liệt kê theo hàm lượng có trong sản phẩm, vì vậy những thành phần có hàm lượng cao nhất sẽ được liệt kê đầu tiên.
KẾT LUẬN
Các thành phần được liệt kê trên nhãn thông tin được sắp xếp theo hàm lượng từ cao tới thấp. Tránh xa những thực phẩm bổ sung có chứa quá nhiều chất phụ gia như fillers, chất kết dính, chất tạo ngọt hoặc chất bảo quản.
Chất lượng
Các thực phẩm bổ sung được bán ở Hoa Kỳ bắt buộc phải tuân theo Current Good Manufacturing Practices (CGMPs). CGMPs chịu trách nhiệm đảm bảo các công ty phải tuân thủ các quy trình đã được phê duyệt để sản xuất, đóng gói, ghi nhãn cũng như bảo quản các thực phẩm bổ sung.
Bên cạnh đó, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng có trách nghiệm trong việc đảm bảo rằng các nhà sản xuất tuân thủ các nguyên tắc này. Ngoài ra, FDA cũng phải kiểm tra và xác minh liệu các chất bổ sung có đáp ứng được các thông số kỹ thuật cần thiết về cường độ mạnh, đặc tính, độ tinh khiết và thành phần hay không.
Một số nhà sản xuất cũng được kiểm nghiệm bởi bên thứ ba để có được những chứng nhận cho sản phẩm của họ. Bên thứ ba này bao gồm các tổ chức sau:
- NSF International
- United States Pharmacopeia (USP)
- ConsumerLab
- Banned Substances Control Group (BSCG)
- Underwriters Laboratories (UL)
- International Fish Oil Standards (IFOS)
Các tổ chức này đặt ra các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về độ tinh khiết và hiệu nghiệm của các chất bổ sung. Điều này giúp lý giải vì sao các sản phẩm được chứng nhận thường có chỉ số tốt về chất lượng.
Các sản phẩm đã nhận được chứng nhận từ các tổ chức này thường có con dấu xác minh trên nhãn. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm thấy danh sách các sản phẩm được chứng nhận trên trang web của các tổ chức bên thứ ba.
Đồng thời, một số thực phẩm bổ sung cũng nhận được Giấy chứng nhận phân tích (COA), nghĩa là chúng đã được bên thứ ba kiểm duyệt và xác minh rằng các thực phẩm bổ sung nay đáp ứng được các thông số kỹ thuật sản phẩm được yêu cầu.
Các sản phẩm được chứng nhận COA thường được hiển thị dưới dạng mã QR hoặc dưới dạng đường dẫn liên kết đến trang web của nhà sản xuất.
Nếu bạn không tìm thấy COA trên sản phẩm chất bổ sung, bạn có thể liên hệ trực tiếp với nhà sản xuất để xem liệu sản phẩm đó có được chứng nhận COA hay không.
KẾT LUẬN
Để đảm bảo bạn đang nhận được thực phẩm bổ sung có chất lượng cao, bạn nên tìm các sản phẩm có COA, các sản phẩm đã trải qua kiểm duyệt của bên thứ ba và được chứng nhận bởi các tổ chức như USP, NSF International hoặc Underwriters Laboratories (UL).
Thuật ngữ chuyên ngành
Các nhãn thông tin in trên các sản phẩm chất bổ sung thường xuất hiện các thuật ngữ như “hoàn toàn tự nhiên” hoặc “hữu cơ”. Điều này ít nhiều cũng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Dưới đây là một số thuật ngữ phổ biến nhất có thể được liệt kê trên bao bì của thực phẩm bổ sung.
Tự nhiên
Theo FDA, thuật ngữ “tự nhiên” và “hoàn toàn tự nhiên” dùng để chỉ các sản phẩm không chứa bất kỳ thành phần nhân tạo hoặc thành phần tổng hợp nào, bao gồm cả chất tạo vị hoặc chất tạo màu.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng việc sử dụng thuật ngữ “tự nhiên” hoặc “hoàn toàn tự nhiên” không được thực thi nghiêm ngặt ở Hoa Kỳ.
Do đó, điều quan trọng vẫn là kiểm tra thành phần được in trên nhãn thông tin để biết được hàm lượng chất tạo ngọt, hương vị và màu tổng hợp.
Hữu cơ
Các thực phẩm bổ sung có thể được bán trên thị trường dưới dạng hữu cơ miễn là chúng tuân theo quy định Chương trình Hữu cơ quốc gia (NOP). Đồng thời, các thực phẩm này còn chứa các loại thảo mộc, vitamin hoặc khoáng chất có nguồn gốc từ thực vật hoặc động vật hữu cơ.
Thực vật hữu cơ được trồng mà không sử dụng sinh vật biến đổi gen (GMOs), phân bón tổng hợp cũng như thuốc trừ sâu. Trong khi đó, các động vật hữu cơ được cho ăn các thức ăn hữu cơ đồng thời không sử dụng hormone hoặc kháng sinh.
Các sản phẩm hữu cơ được chứng nhận thường có con dấu màu xanh lá với biểu tượng USDA trên bao bì.
Food-based hoặc whole food
Một số sản phẩm được gọi là thực phẩm bổ sung “food-based” hoặc “whole food”.
Những chất bổ sung này thường được tạo ra bằng cách sử dụng hỗn hợp cô đặc của các thực phẩm đã được khử nước.
Mặc dù điều này nghe có vẻ là một lựa chọn tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, nhưng bạn cũng nên lưu ý rằng các thực phẩm này chưa chắc có chỉ số tốt về chất lượng.
Trên thực tế, các thực phẩm bổ sung dạng food-based hoặc whole food thường chứa các thành phần tổng hợp như chất phụ gia, fillers và chất tạo hương liệu.
Thực phẩm không biến đổi gen
Một số chất bổ sung được quảng cáo là thực phẩm không biến đổi gen (GMO-free hoặc non-GMO), điều này nghĩa là các công ty đang sản xuất ra những thực phẩm mà không cần bất kỳ thành phần biến đổi gen nào.
Bên cạnh đó, nhiều người có xu hướng tránh hoặc hạn chế tiêu thụ các sản phẩm chứa thành phần biến đổi gen do lo ngại về việc bị dị ứng thực phẩm, kháng thuốc kháng sinh cũng như ảnh hưởng sức khỏe về lâu về dài.
The Non-GMO Project, một tổ chức phi lợi nhuận giúp kiểm tra và xác minh các thành phần không bị biến đổi gen. Các sản phẩm được chứng nhận không chứa thành phần biến đổi gen sẽ nhận được con dấu xác minh từ tổ chức này.
KẾT LUẬN
Hiểu một số thuật ngữ phổ biến có in trên nhãn thông tin sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm phù hợp.
Yêu cầu sức khỏe
Một số thực bổ sung thường được quảng cáo là giải pháp khắc phục nhanh chóng các vấn đề sức khỏe. Bất ngờ hơn, một số công ty còn tuyên bố rằng các sản phẩm của họ có khả năng chống lại bệnh ung thư, đẩy lùi bệnh tiểu đường và làm chậm quá trình lão hóa xảy ra.
Những tuyên bố này không chỉ vô căn cứ mà còn được cho là bất hợp pháp ở Hoa Kỳ.
Trên thực tế, theo luật pháp Hoa Kỳ, thực phẩm chức năng không thể được tuyên bố điều trị hoặc chữa khỏi bệnh. Đồng thời mọi tuyên bố về sức khỏe phải được dựa trên các bằng chứng khoa học chứng minh sự tác động tích cực mà thực phẩm bổ sung mang lại cho cơ thể.
Hơn nữa, các nhà sản xuất chỉ có thể tuyên bố rằng một thực phẩm bổ sung cụ thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh, chứ không phải sử dụng thực phẩm bổ sung để điều trị hoặc chữa khỏi bệnh.
Vì những lý do đó, bạn nên tránh các thực phẩm bổ sung đưa ra những tuyên bố sai sự thật hoặc tuyên bố rằng chúng có thể điều trị hàng loạt các vấn đề về sức khỏe.
Theo Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC), một số cụm từ có thể chỉ ra dấu hiệu của gian lận xuất hiện trong nhãn thông tin hoặc quảng cáo bao gồm:
- Sản phẩm độc quyền
- Phương thuốc cổ truyền
- Kết quả đáng kinh ngạc
- Thành phần bí mật
- Bước đột phá của khoa học
- Cuộc cách mạng công nghệ
Ngoài ra, bạn cũng nên tránh những loại thực phẩm bổ sung mà công ty sản xuất chúng đưa ra tuyên bố rằng nó có thể mang lại kết quả tương đương với thuốc kê toa hoặc những tuyên bố đảm bảo “không có rủi ro”.
KẾT LUẬN
Tốt nhất bạn nên tránh những sản phẩm đưa ra những tuyên bố vô căn cứ về cải thiện sức khỏe, hứa hẹn những kết quả không thực tế hoặc tuyên bố rằng chúng có thể chữa khỏi hoặc điều trị bệnh.
Dị ứng và chế độ ăn uống hạn chế
Bạn nên kiểm tra kỹ các thông tin có trên nhãn sản phẩm nếu bạn xuất hiện các dấu hiệu dị ứng.
Đạo luật Bảo vệ Người tiêu dùng và Ghi nhãn Dị ứng Thực phẩm (The Food Allergen Labeling and Consumer Protection Act) năm 2004 đã đưa ra yêu cầu rằng bất kỳ các chất gây dị ứng nào trong thực phải đều phải được ghi rõ trên nhãn thông tin của sản phẩm.
Các chất gây dị ứng trong thực phẩm bao gồm sữa, trứng, cá, động vật có vỏ (nghêu, sò, ốc, hến), các loại hạt, đậu nành, lúa mì và đậu phộng.
Tuy nhiên, bạn không nên nhầm lẫn rằng tất cả các thực phẩm bổ sung đều gây dị ứng hoặc chứa chất gây dị ứng.
Mặt khác, FDA không quy định rằng thực phẩm bổ sung không được chứa các chất gây dị ứng và các công ty cũng không bắt buộc phải tiến hành thử nghiệm protein gây dị ứng trên sản phẩm của họ.
Ngoài ra, ngay cả khi một sản phẩm không chứa bất kỳ chất gây dị ứng nào thì bản thân thực phẩm bổ sung đó cũng có khả năng gây ra dị ứng bởi sự lây nhiễm chéo. Điều này được giải thích là do chúng được sản xuất ở các cơ sở xử lý các chất gây dị ứng thực phẩm.
Nếu bạn bị dị ứng thực phẩm nghiêm trọng, bạn có thể tìm hiểu thêm về quy trình sản xuất của công ty hoặc liên hệ trực tiếp với họ để xác định xem liệu các sản phẩm của họ có chứa chất gây dị ứng không.
Đối với những người bị bệnh celiac hoặc nhạy cảm với gluten, họ có thể cân nhắc việc lựa chọn các sản phẩm được chứng nhận không chứa gluten. Điều này giúp họ đảm bảo được rằng thực phẩm bổ sung họ muốn sử dụng không chứa bất kỳ thành phần gluten nào.
Những người ăn chay cũng nên cẩn trọng với sản phẩm chứa các thành phần có nguồn gốc động vật như gelatin, carmine, magie stearat, collagen và lanolin.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể lựa chọn các sản phẩm được chứng nhận thuần chay, điều này nhằm đảm bảo rằng sản phẩm được sản xuất không có bất kỳ nguồn gốc nào từ động vật và không thử nghiệm trên động vật.
KẾT LUẬN
Nếu bạn bị dị ứng hoặc có những thực phẩm hạn chế trong chế độ ăn uống, hãy chắc chắn rằng bạn đã kiểm tra kỹ nhãn thông tin trên sản phẩm hoặc liên hệ trực tiếp với các công ty sản xuất để xác minh các thành phần có trong chúng.
Tóm tắt
Thuật ngữ “thực phẩm bổ sung” bao gồm hàng loạt các sản phẩm như vitamin, khoáng chất, chế phẩm sinh học, chiết xuất thảo dược, axit amin, enzyme và các sản phẩm khác.
FDA không quy định chặt chẽ về tính an toàn hoặc hiệu quả của các thực phẩm bổ sung như quy định các loại thuốc. Điều này giúp lý giải tại sao bạn nên kiểm tra nhãn thông tin cẩn thận trước khi quyết định mua bất kỳ sản phẩm nào.
Hơn hết, để chọn được sản phẩm phù hợp, bạn nên chú ý đến thành phần, liều lượng, chất lượng và những tuyên bố về sức khỏe của sản phẩm.
Nguồn: https://www.healthline.com/nutrition/how-to-read-supplement-labels
Dịch bởi Sakura Beauty Vietnam.