Theo dòng chảy của thời gian, quan niệm về vẻ đẹp Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng ít nhiều bởi các trào lưu làm đẹp từ văn hóa phương Tây. Tuy nhiên, xuyên suốt các giai đoạn lịch sử của xứ sở Phù Tang, làn da trắng sứ vẫn luôn chuẩn mực không thay đổi về vẻ đẹp của phụ nữ Nhật.
Ngạn ngữ Nhật có câu: "Iro no shiroi wa shichi nan kakusu" (tạm dịch: bạch sắc ẩn thất nan, nghĩa đen là màu trắng có thể làm ẩn đi bảy khuyết tật), ngụ ý làn da trắng có thể bù đắp cho những khuyết điểm về ngoại hình chẳng hạn như miệng rộng, mũi tẹt hay vô số những điểm không hoàn hảo khác. Ngày nay, dù cho xu hướng làm đẹp đã và đang thay đổi không ngừng cả trong lẫn ngoài nước, phụ nữ Nhật vẫn muốn có được làn da trắng hồng. Quan niệm về một làn da đẹp có nguồn gốc phát triển khá lâu đời ở Nhật Bản.
Nguồn gốc lịch sử
Tại Nhật, vẻ đẹp từ lâu luôn đi kèm với làn da trắng. Để hiện thực hóa ý niệm này, từ thời kỳ Nara (710-794), phụ nữ bắt đầu trang điểm mặt bằng một loại phấn bột màu trắng có tên là oshiroi (“màu trắng tự hào”), và đến thời kỳ Heian (794-1185), gương mặt trắng hồng tiếp tục là một dấu hiệu của sắc đẹp. Những dẫn chứng liên quan đến chi tiết này được tìm thấy trong “Truyện kể Genji” của nữ văn sĩ nổi tiếng Murasaki và cả cuốn hồi ký của bà. Hơn một ngàn năm trước, mỹ phẩm làm trắng da đã trở thành một biểu tượng không thể thiếu trong tầng lớp quý tộc.
Bản khắc gỗ này mô tả những phụ nữ hành nghề mại dâm thực hành nghi thức rửa mặt vào buổi sáng. Người bên trái đang giữ chiếc túi đựng cám gạo dùng để rửa mặt.
Trong thời kỳ Edo (1603-1868), tập quán làm trắng da đã trở nên phổ biến trong các tầng lớp thường dân. Tuy nhiên ở thời kỳ này, cái người ta tìm kiếm là vẻ đẹp tự nhiên. “Ukkiri” – một thuật ngữ để chỉ da ẩm ướt, xuất hiện trong một cuốn sách làm đẹp có tên “Miyako fūzoku kewaiden” (Cẩm nang về mỹ phẩm tại kinh thành), xuất bản vào năm 1813 và vẫn được coi như là một cuốn thánh kinh về sắc đẹp cho cả thế kỷ tiếp theo. Tác phẩm giới thiệu một loạt các kỹ thuật giúp da "trắng đẹp", bao gồm cách rửa mặt, đắp mặt nạ dưỡng da làm từ một dạng ôxít chì tự nhiên và các phương pháp thảo dược điều trị mụn trứng cá.
Lý giải nguyên nhân
Theo nghiên cứu của Miho Sato (2002), giáo sư khoa Khoa học về Con người của Đại học Waseda, so với người ở các nước khác, người Nhật thích màu trắng sáng hơn. Sato chỉ ra rằng trong một thời gian dài người dân Nhật Bản đã từng xem màu trắng là màu sắc thiêng liêng (shinseina) và bí ẩn (shinpiteki). Vì thế, việc phụ nữ Nhật Bản thích da mặt trắng sáng không phải do ảnh hưởng từ văn hóa phương Tây mà là ngay từ bên trong nền văn hoá Nhật Bản. Trải qua quá trình toàn cầu hoá, da mặt trắng không chỉ là một tiêu chuẩn về sắc đẹp ở Nhật Bản mà còn trở thành một tiêu chuẩn quốc tế. Đó là lý do tại sao nhiều phụ nữ Nhật Bản luôn giữ cho làn da mình không bị sạm đen.
Dù quan niệm về cái đẹp ở Nhật liên tục thay đổi, nhưng chuẩn mực về làn da trắng vẫn luôn được đề cao.
Tomizawa Yōko, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Vẻ đẹp và Văn hoá Pola, có nói về nguồn gốc của việc yêu thích màu trắng tự nhiên. "Tông màu da mà người Nhật muốn đạt được không phải là màu trắng như sữa mà là màu sáng bóng, giống như một viên đá được mài sáng vậy. Kể từ thời kỳ Edo, phụ nữ đã phải chịu đựng rất nhiều đau đớn để đạt được điều này". Các ghi chép cho thấy phụ nữ đã tốn rất nhiều thời gian cho việc trang điểm và mỹ phẩm chủ yếu dùng để làm nổi bật vẻ đẹp tự nhiên của da. Như trong cuốn "Miyako fūzoku kewaiden" có mô tả cách sử dụng nhiều lần phấn trang điểm oshiroi và chà xát hai bên má bằng khăn để làm cho da sáng trông giống như đồ sứ. Trang điểm được coi là một nghi thức và hình thức đáng phải làm. Người ta muốn mặt phụ nữ phải có son phấn cả ngày lẫn đêm, ngay cả khi đang trong bồn tắm. Trang điểm là việc cá nhân, không nên để người khác nhìn thấy. Theo Tomizawa, điều này có lẽ là lý do khiến nhiều phụ nữ ngày nay có khuynh hướng rất ngại việc trang điểm ở nơi công cộng, chẳng hạn như khi đi tàu.
Lời kết
Thói quen làm đẹp như vậy không những giúp cho phụ nữ Nhật trở nên nổi bật hơn hẳn mà còn ảnh hưởng đến xu hướng làm đẹp ở nhiều nước khác trên thế giới. Suy cho cùng, da trắng cũng là mơ ước của rất nhiều chị em phụ nữ Việt Nam và các nước Đông Á khác. Để có được một làn da đẹp, ta phải trải qua một quá trình chăm sóc da rất cẩn thận và kiên trì. Chính vì lẽ đó mà rất nhiều người đã chịu khó đầu tư thời gian và tiền bạc vào các loại mỹ phẩm nhằm giúp bản thân có được tự tin trong các mối quan hệ làm ăn và trong xã hội.