Cao huyết áp còn được gọi là tăng huyết áp, nó gây ảnh hưởng lên gần phân nửa dân số trưởng thành ở Mỹ.
Và đây cũng là nguy cơ mắc bệnh tim phổ biến nhất mà có thể phòng ngừa được.
Bài báo này nói về các bài nghiên cứu khoa học nghiên cứu về 10 loại thảo mộc và gia vị có thể làm giảm huyết áp.
Kiểm soát bệnh cao huyết áp
Huyết áp cao được định nghĩa là có ít nhất một trong những điều sau đây:
- Huyết áp tâm thu (chỉ số trên cùng) quá 130 mm Hg
- Huyết áp tâm trương (chỉ số dưới cùng) quá 80 mm Hg
- Cả hai giá trị ở tâm thu và tâm trường đều vượt qua mức này
Bạn có thể kiểm soát huyết áp bằng các loại thuốc, chẳng hạn như thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) hoặc thuốc chẹn kênh calcium.
Bên cạnh đó, thay đổi chế độ ăn uống và lối sống cũng có thể giúp giảm lượng huyết áp và nguy cơ mắc bệnh tim cho bạn.
Trên thực tế, có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng có nhiều loại thảo mộc cũng như là gia vị có thể làm giảm huyết áp, thế nên bạn có thể cân nhắc việc đưa chúng vào bữa ăn của mình.
Nhưng hãy đảm bảo rằng bạn đã tham khảo ý kiến của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn trước khi sử dụng các loại thảo mộc này.
Dưới đây là 10 loại thảo mộc có thể giúp bạn làm hạ huyết áp cao.
KẾT LUẬN
Bạn có thể kiểm soát bệnh cao huyết áp của bản thân bằng các loại thuốc, cũng như là thay đổi chế độ ăn uống và lối sống của mình. Bên cạnh đó, cũng có vài loại thảo mộc và gia vị có thể giúp hạ huyết áp xuống.
1. Húng quế
Húng quế (tên khoa học là Ocimum basilicum) là một loại thảo mộc có hương vị rất đa dạng. Nó chứa rất nhiều hợp chất khác nhau nên thường được dùng trong y học thay thế.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng húng quế ngọt chứa một hàm lượng chất chống oxy hóa có lợi cho sức, bao gồm cả giảm huyết áp.
Húng quế ngọt chứa một hàm lượng cao chất eugenol. Eugenol trong húng quế ngọt được xem như là thuốc chẹn kênh calcium tự nhiên giúp làm giảm huyết áp, điều này đã được các nhà khoa học chứng minh.
Thuốc chẹn kênh canxi có tác dụng ngăn ngừa calcium di chuyển vào tim và tế bào động mạch, điều này giúp các mạch máu có thể giảm các áp lực.
Húng quế ngọt cũng được dùng trong các nghiên cứu trên động vật, kết quả cho thấy rằng nó đã giúp làm thư giãn các mạch máu và làm máu loãng đi, điều này có thể giúp làm hạ huyết áp trong cơ thể.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để điều tra xem húng quế có thực sự làm giảm huyết áp ở con người hay không.
KẾT LUẬN
Theo các nghiên cứu trên động vật cho thấy húng quế có chứa nhiều hợp chất như là eugenol, hợp chất này có thể giúp làm giảm huyết áp trong cơ thể. Tuy nhiên, có tác dụng với con người hay không thì cần phải có nhiều nghiên cứu về đề tài này hơn nữa.
2. Ngò tây
Ngò tây (tên khoa học là Petroselinum crispum) là loại thảo mộc rất phổ biến ở Châu Mỹ, Châu Âu và các nền ẩm thực Trung Đông. Nó có nguồn gốc từ Địa Trung Hải và có một hàm lượng dinh dưỡng rất dồi dào.
Ngò tây chứa loạt các hợp chất có thể làm giảm huyết áp như là vitamin C và carotenoid.
Một vài nghiên cứu đã cho thấy rằng chất chống oxy hóa carotenoid có thể làm giảm huyết áp và chỉ số cholesterol xấu (LDL), những nguyên nhân gây bệnh tim ở người.
Cũng có nhiều nghiên cứu trên động vật chỉ ra rằng ngò tây làm giảm cả huyết áp tâm thu và tâm trương bằng các hoạt động như thuốc chẹn kênh canxi – một loại thuốc giúp làm giảm áp lực lên mạch máu và giãn mạch máu.
Tuy nhiên cũng còn tồn tại nhiều giới hạn cho nghiên cứu về đề tài này trên con người. Nên cần có nhiều nghiên cứu hơn ở lĩnh vực này để làm rõ hơn tác dụng của nó đối với con người.
KẾT LUẬN
Ngò tây chứa nhiều hợp chất như vitamin C và carotenoid, nó có thể làm giảm huyết áp trong cơ thể. Tuy nhiên, giống như húng quế, cần có nhiều nghiên cứu hơn để xác thực tác dụng của nó đối với con người.
Xem thêm: 4 loại thảo mộc hỗ trợ cải thiện nám hiệu quả
3. Hạt cần tây
Hạt cần tây (tên khoa học là Apium graveolens) là một loại gia vị đa năng chứa nhiều chất dinh dưỡng khác nhau như iron, magnesium, manganese và chất xơ.
Điều thú vị là có nhiều nghiên cứu chứng minh được rằng hạt cần tây có thể giúp làm giảm huyết áp.
Một nghiên cứu trên chuột đã chỉ ra rằng chiết xuất hạt cần tây đã làm giảm huyết áp của chuột đã bị mắc huyết áp cao – nhưng chưa có các nghiên cứu trên những con chuột có huyết áp bình thường.
Có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng sử dụng các chiết xuất từ hạt cần tây có tác dụng như thuốc chẹn kênh canxi tự nhiên giúp làm giảm huyết áp. Bên cạnh đó, nó cũng chứa một lượng dồi dào chất xơ giúp hạ huyết áp trong cơ thể.
Thế nhưng giống các loại thảo mộc kể trên, cần có nhiều nghiên cứu hơn về tác dụng của hạt cần tây đối với huyết áp ở người.
KẾT LUẬN
Có nhiều nghiên cứu trên động vật về đề tài này, kết quả cho thấy hạt cần tây có tác dụng giúp làm giảm huyết áp nhờ vào hàm lượng chất xơ và hoạt động như thuốc chẹn kênh canxi tự nhiên. Tuy nhiên vẫn còn cần nhiều nghiên cứu hơn về lĩnh vực này.
4. Cây móng mèo Trung Quốc
Từ lâu con người đã sử dụng móng mèo Trung Quốc như một vị thuốc cổ truyền để trị hàng loạt các bệnh, bao gồm cả bệnh cao huyết áp.
Nó có tên khoa học là Uncaria rhynchophylla, và thường được gọi là Gou-Teng hoặc Chotoko.
Thế nhưng, đừng nhầm lẫn với cây móng mèo (có tên khoa học là Uncaria tomentosa), mặc dù chúng có tên và hình dáng giống nhau, nhưng 2 loại này có nguồn gốc khác nhau và tính chất hóa học trong chúng cũng khác nhau.
Cây móng mèo Trung Quốc có chứa một vài hợp chất như là hirsutine và rhynchophylline. Cũng có nhiều nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng nó có thể hạ huyết áp giống như hoạt động của thuốc chẹn kênh canxi.
Bên cạnh đó, các hợp chất này có thể kích thích các mạch máu sản sinh ra nitric oxide giúp giảm áp lực trên các mạch máu.
Có nhiều nghiên cứu trên động vật đã xác minh điều này, các chiết xuất từ cây móng mèo Trung Quốc hoặc các hợp chất chiết xuất từ nó có thể giúp hạ huyết áp và hỗ trợ lưu lượng máu trong cơ thể. Thế nhưng vẫn còn nhiều hạn chế đối với các nghiên cứu trên con người trong lĩnh vực này.
Chúng ta có thể mua móng mèo Trung Quốc ở các cửa hàng thực phẩm cho sức khỏe hoặc trên các trang mạng trực tuyến.
KẾT LUẬN
Từ những nghiên cứu trên động vật đã chứng minh cây móng mèo Trung Quốc có chứa nhiều hợp chất có công dụng như thuốc chẹn kênh calcium tự nhiên giúp giảm áp lực trên các mạch máu. Tuy nhiên vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn trên con người đối với đề tài này.
5. Rau đắng biển
Rau đắng biển là một loại thảo dược phát triển trong các khu vực đầm lầy ở Nam Á. Các học viên của Y học cổ truyền Ayurvedic sử dụng nó để điều trị nhiều bệnh khác nhau, bao gồm các bệnh liên quan đến trí nhớ và bệnh cao huyết áp.
Trong các nghiên cứu với động vật, Rau đắng biển làm giảm huyết áp trên cả tâm thu và tâm trương thông qua việc kích thích mạch máu sản sinh ra nitric oxide.
Một cuộc nghiên cứu kéo dài 12 tuần với sự tham gia của 54 người trưởng thành đang khỏe mạnh, mục đích của cuộc nghiên cứu này là quan sát sự ảnh hưởng của rau đắng biển lên trí nhớ, sự lo âu, bệnh trầm cảm, và huyết áp. Thế nhưng kết quả cho thấy rằng nó có tác dụng cải thiện hầu hết các bệnh về tinh thần, nhưng ít có ảnh hưởng lên huyết áp của con người.
Mặc dù có nhiều nghiên cứu trên động vật khá khả thi, tuy nhiên tác dụng của rau đắng biển đối với huyết áp của con người thực sự chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh, vì vậy cần có nhiều nghiên cứu để làm rõ đề tài này hơn.
Bạn có thể tìm mua rau đắng biển từ các cửa hàng thực phẩm dành cho sức khỏe hoặc các trang mạng trực tuyến. Rau đắng biển có nhiều dạng, dạng bột hoặc dạng viên nang.
KẾT LUẬN
Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng rau đắng biển có thể làm giãn nở và giảm áp lực trên mạch máu, giúp hạ huyết áp. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên con người về đề tài này vẫn còn nhiều mâu thuẫn và hạn chế.
6. Tỏi
Trong tỏi rất giàu các hợp chất có lợi cho tim mạch.
Cụ thể tỏi gồm nhiều hợp chất của sulfur như Allicin, chất này có tác dụng giúp tăng lưu lượng trong máu và giảm các áp lực trong mạch máu. Nhìn chung những yếu tố này có thể giúp hạ huyết áp trong cơ thể.
Một cuộc đánh giá tổng hợp về 12 nghiên cứu với 550 người bị mắc bệnh cao huyết áp cho thấy rằng việc dùng tỏi có thể làm giảm huyết áp tâm thu và tâm trương trung bình lần lượt là 8.3 mm Hg và 5.5 mm Hg. Điều này chứng tỏ rằng tỏi có thể được dùng như một loại thuốc giúp hạ huyết áp.
Có một cuộc nghiên cứu với 30 người trong vòng 24 tuần cho thấy rằng với 600 - 1500 mg chiết xuất tỏi có tác dụng tương tự với thuốc Atenolol giúp làm hạ huyết áp một cách đáng kể.
KẾT LUẬN
Các hợp chất như allicin có trong tỏi có tác dụng giúp giảm áp lực ở các mạch máu và hỗ trợ cho lưu lượng máu, điều này có nghĩa là tỏi có thể giúp giảm huyết áp cho người.
7. Cỏ xạ hương
Cỏ xạ hương là gia vị thảo mộc chứa rất nhiều hợp chất có lợi cho sức khỏe.
Một trong những hợp chất đó chính là axit rosmarinic, có nghiên cứu cho thấy nó rất hữu ích cho sức khỏe, chẳng hạn như làm giảm viêm, làm giảm lượng đường trong máu cũng như là làm tăng lưu lượng máu, đồng thời giúp làm giảm huyết áp.
Axit rosmarinic giúp giảm huyết áp tâm thu một cách đáng kể thông qua việc ức chế men chuyển angiotensin (ACE), điều này đã được kiểm chứng qua các nghiên cứu trên động vật.
ACE là một phân tử làm thu hẹp mạch máu và làm tăng huyết áp lên, vì vậy ức chế chúng có thể giúp giảm huyết áp xuống.
Có nhiều nghiên cứu trên động vật chỉ ra rằng chiết xuất từ cỏ xạ hương có thể làm giảm nguy cơ của các yếu tố gây mắc bệnh tim, chẳng hạn như giảm tổng lượng cholesterol, cholesterol xấu (LDL), chất béo trung tính và kể cả huyết áp.
Thế nhưng, những nghiên cứu trên con người về đề tài này vẫn còn nhiều hạn chế, các nhà khoa học nên có nhiều cuộc nghiên cứu hơn để xác thực tác dụng của cỏ xạ hương đối với con người.
KẾT LUẬN
Cỏ xạ hương chứa nhiều siêu hợp chất như axit rosmarinic, hợp chất này giúp các mạch máu giảm bớt những áp lực, điều này đã được chứng minh trong các nghiên cứu trên động vật. Nhưng để áp dụng nó lên con người thì cần phải có nhiều nghiên cứu hơn về đề tài này.
8. Quế
Quế là một loại gia vị có hương thơm thu được từ vỏ thân cây thuộc chi Cinnamomum.
Nó được con người sử dụng trong nhiều thế kỷ như một vị thuốc trong y học cổ truyền có tác dụng điều trị bệnh tim, bao gồm cả bệnh cao huyết áp.
Có một bài đánh giá tổng hợp 9 nghiên cứu với sự tham gia của 641 người đã nhận định rằng quế có tác dụng làm giảm cả huyết áp tâm thu và tâm trương lần lượt với một lượng trung bình là 6.2 mm Hg và 3.9 mm Hg.
Sự tác động này càng mạnh hơn khi họ sử dụng quế liên tục trong suốt 12 tuần.
Bên cạnh đó cũng có một bài đánh giá tổng hợp 3 nghiên cứu với 139 người tham gia trong tình trạng đang mắc bệnh tiểu đường loại 2, mục đích của nghiên cứu là để quan sát những ảnh hưởng mà quế mang lại. Sau 12 tuần liên tục sử dụng quế với một lượng khoảng 500-2400 mg mỗi ngày, kết quả cho thấy rằng huyết áp tâm thu giảm trung bình 5,39 mmHg và với huyết áp tâm trương giảm trung bình 2,6 mmHg.
Quế là loại gia vị rất dễ dàng để kết hợp với các bữa ăn, thế nên việc bổ sung quế vào bữa ăn là một lựa chọn đáng để bạn cân nhắc.
KẾT LUẬN
Quế có tác dụng làm co giãn và giảm các áp lực cho mạch máu, điều này có thể giúp hạ huyết áp xuống.
9. Gừng
Gừng từ lâu đã được dùng như một vị thuốc trong y học thay thế.
Hàng thế kỷ qua, con người đã dùng gừng để cải thiện sức khỏe tim mạch, sự lưu thông của máu, mức cholesterol và cả huyết áp.
Nhiều nghiên cứu trên cả người và động vật đã chứng minh được tác dụng của gừng đối với việc làm hạ huyết áp xuống. Nó hoạt động như thuốc chẹn kênh calcium tự nhiên và thuốc ức chế men chuyển angiotensin tự nhiên, đây là hai loại thuốc điều trị bệnh về huyết áp
Một cuộc nghiên cứu trên 4000 người nhận thấy rằng người sử dụng 2-4 gam gừng mỗi ngày có nguy cơ bị mắc huyết áp cao ở mức thấp nhất.
Vị của gừng khá là ngon và dễ để kết hợp với bữa ăn hàng ngày. Thêm vào đó, nó cũng rất dễ tìm mua ở các siêu thị và trên các trang mạng trực tuyến về thực phẩm. Thế nên lựa chọn đưa chúng vào thực đơn hàng ngày là điều đáng để cân nhắc
KẾT LUẬN
Gừng có công dụng như là thuốc chẹn kênh calcium, đồng thời nó còn giúp làm giãn nở các mạch máu và hạ huyết áp của bạn xuống.
10. Bạch đậu khấu
Bạch đậu khấu là một loại gia vị có vị hơi ngọt, nhẹ nhàng. Cùng với hương vị đó, bạch đậu khấu chứa nhiều loại chất chống oxy hóa khác nhau có thể làm hạ huyết áp.
Một cuộc nghiên cứu kéo dài 12 tuần với sự tham gia của 20 người trưởng thành được chuẩn đoán là bị mắc bệnh cao huyết áp, kết quả cuộc nghiên cứu cho thấy rằng dùng 3 gam bột bạch đậu khấu mỗi ngày đã làm giảm huyết áp một cách đáng kể, hạ mức huyết áp xuống gần mức huyết áp của một người bình thường.
Nhiều nghiên cứu trên ống nghiệm và động vật chỉ ra rằng bạch đậu khấu có thể làm giảm huyết áp bằng cách hoạt động như là thuốc chẹn kênh calcium tự nhiên và thuốc lợi tiểu. Thuốc lợi tiểu chứa hợp chất giúp cơ thể loại bỏ nước tích tụ trong cơ thể.
Mặc dù những phát hiện này rất hữu ích, thế nhưng đây vẫn là đề tài vẫn còn khá mới. Do đó, cần có nhiều cuộc nghiên cứu về đề tài này hơn để xác thực tác dụng của bạch đậu khấu đối với con người.
Bạn có thể kết hợp bạch đậu khấu với bữa ăn hàng ngày hoặc dùng nó làm gia vị tạo ngọt cho những chiếc bánh của bạn. Hơn thế nữa, bạn có thể sử dụng các thực phẩm bổ sung có thành phần từ bạch đậu khấu hoặc là chiết xuất của chúng, thế nhưng phải được kiểm soát bởi nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn.
Tóm tắt
Bệnh cao huyết áp là yếu tố gây mắc bệnh tim phổ biến nhất nhưng có thể phòng ngừa được. Gần phân nửa dân số trưởng thành ở Mỹ bị mắc bệnh này.
Cách tốt nhất để kiểm soát bệnh cao huyết áp là thông qua việc kết hợp một chế độ ăn uống, lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và sử dụng các loại thuốc phù hợp với cơ thể.
Có nhiều loại thảo mộc và gia vị như là húng quế, ngò tây, hạt cần tây, cây móng mèo Trung Quốc, tỏi, gừng, cỏ xạ hương,… khi kết hợp chúng với bữa ăn hàng ngày sẽ có tác dụng giúp giảm huyết áp của bạn xuống.
Nhưng hãy lưu ý rằng các loại gia vị và thảo mộc có thể gây phản ứng phụ với các loại thuốc làm loãng máu thông thường, cũng như là các chất chiết xuất và chất bổ sung được nêu lên ở trên chưa được nghiên cứu rõ ràng về độ an toàn.
Vì thế bạn hãy luôn luôn tham khảo ý kiến của những nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn trước khi sử dụng bất cứ loại thảo mộc hay gia vị nào để kết hợp với bữa ăn của mình hoặc dừng việc sử dụng một loại thuốc nào đó.
Nguồn: https://www.healthline.com/nutrition/herbs-to-lower-blood-pressure
Dịch bởi Sakura Beauty Vietnam.